Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng có một thời nhầm lẫn giữa 3 món ăn há cảo, sủi cảo và hoành thánh. Hoặc thậm chí cho đến bây giờ, có nhiều bạn vẫn chưa biết rõ điểm khác biệt giữa “bộ ba” dễ nhầm này dù đã thưởng thức chúng vô số lần. Hãy cùng BAEMIN đọc bài viết này để kiểm chứng độ sành ăn thượng thừa của bản thân, phân biệt rõ ràng 3 món ăn há cảo, sủi cảo và hoành thánh nhé!
Đầu tiên, phải kể đến việc tuy không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng ba món ăn này như những anh em họ hàng xa khi có không ít điểm tương đồng, đều là những món Dimsum quen thuộc đến nhẵn mặt với mọi nhà. Đại gia đình Dimsum “đông con nhiều cháu”, nhưng có thể nói 3 gương mặt sủi cảo, há cảo và hoành thánh luôn lọt top được yêu thích nhất trên bàn ăn.
Chúng đều có đặc điểm chung khi có hai phần chính là vỏ bột và nhân thịt, đều được chế biến bằng cách lấy phần bột gói ghém tất cả nhân thịt bên trong. Nhưng dù vậy, ‘“ba anh em” này cũng có những điểm khác biệt, mà với dân sành ăn chỉ cần liếc sơ cũng phân biệt được. Đào sâu vào từng ngóc nhỏ như vỏ bánh, nguyên liệu nhân thịt và cả cách chế biến, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những điểm khác biệt thú vị của ba món ăn này.
HÁ CẢO LÀ MÓN CHI NÀO?
Há cảo là một món ăn có xuất xứ từ vùng Triều Châu - Trung Quốc. Chữ “há” trong món “há cảo” vốn có nghĩa gốc là tôm trong trong tiếng Hoa, trong khi chữ “cảo” để chỉ các món được bao, gói lại bằng bột.
Cách chế biến thường gặp ở há cảo nhất chính là hấp, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những xửng há cảo hấp bình dân trên đường phố Sài Gòn với đủ kiểu biến tấu cho vô vàn loại nhân như tôm, thịt, nấm, bắp... Tuy nhiên, há cảo vẫn có điểm nhận dạng nhất định mà nhìn vào mắt thường ta có thể thấy ngay. Há cảo có lớp vỏ bột mỏng có màu trắng trong, dai dai bọc lấy phần nhân tôm căng đầy. Lớp vỏ này có nguyên liệu chính từ bột năng pha bột gạo, có nơi sử dụng bột khoai tây để đạt độ dai dẻo mịn màng nhất định. Khi hấp bột sẽ nở và có độ trong, càng mỏng càng ngon.
THẾ THÌ “SỦI CẢO” SẼ RA SAO?
So về nguồn gốc, tuy đều là những món ăn truyền thống lâu đời của Trung Hoa, nhưng người anh em “Sủi cảo” lại có xuất xứ rõ ràng hơn khi tương truyền món ăn này đã có mặt từ thời nhà Hán (năm 25 – 220 sau Công Nguyên). Dễ nhầm lẫn với “há cảo” vì cái tên có phần giống nhau, chữ “sủi” trong món “sủi cảo” mang nghĩa gốc là nước, vì cách chế biến phổ thông nhất của món ăn này chính là luộc chín. Thế nên món ăn này thường được thưởng thức như một món canh sủi cảo, đi kèm nước dùng giúp trọn vị thơm ngon.
Sủi cảo có điểm khác biệt dễ thấy nhất chính là phần vỏ bánh được làm bằng bột mì pha trứng rồi cán dẹt, sau khi nấu sẽ mang màu vàng óng bắt mắt hấp dẫn. Chính nhờ lớp vỏ này mà các biến tấu như sủi cảo chiên, sủi cảo khô càng được yêu thích nhờ độ thơm và béo từ trứng. Phần nhân thịt của món ăn cũng được thay đổi theo sở thích, trở nên phong phú đa dạng hơn như sủi cảo hẹ, gà, tôm…
HOÀNH THÁNH KHÁC BIỆT NHƯ THẾ NÀO?
Nhắc tới xuất thân, có lẽ “hoành thánh” sẽ được trên vai trên vế khi món ăn này được cho rằng có mặt trước cả sủi cảo. Tuy tuổi tác vượt trội, nhưng hoành thánh thường được thấy với hình dạng nhỏ hơn sủi cảo với vỏ gói bánh hình vuông, bột mỏng.
Lớp nhân của hoành thánh cũng đơn giản hơn khi thường là nhân thịt băm và nấm mèo, không cầu kỳ như các loại sủi cảo và há cảo khác. Nhưng bù lại hoành thánh thường được ưa chuộng bởi độ nhỏ xinh, vừa miệng khi ăn. Hoành thánh chiên còn vô cùng được yêu thích bởi độ thơm và giòn rụm của lớp vỏ, nhân thịt thơm mọng, nhờ vậy mà trở thành một món ăn vặt được yêu thích với mọi người.
KẾT:
Chính vì những nét khác biệt thật tinh tế trong nguyên liệu, tạo hình cho đến cách chế biến cho từng món đã tạo nên sự cuốn hút riêng cho “há cảo”, “sủi cảo” và “hoành thánh”. Góp phần đưa “bộ ba” trở thành những cái tên quen thuộc trong bữa ăn của mọi người. Hy vọng sau bài viết này, bạn đã có cái nhìn tổng quát và rõ ràng hơn về sự khác biệt của ba món ăn này. Hãy tiếp tục đồng hành cùng BAEMIN trong những bài viết tới để cập nhật những bài viết chia sẻ thú vị hơn nữa nhé!